Phụng vụ Lời Chúa - Tuần 8 Thường Niên và Dạo Khúc Mùa Chay

Trọng kính Cộng đồng Dân Chúa,

Như thường lệ chúng ta trước hết hãy theo dõi bài suy niệm và chia sẻ  ần 8 Thường niên
ở đầu cho những ngày đầu như dạo khúc của Mùa Chay
của Đức TGM Ngô Quang Kiệt,
sau đó chúng ta tiếp tục với toàn bộ PVLC kèm theo các bài chia sẻ cùng hạnh các thánh ở những đường kết nối từng ngày trong tuần.

Chúa Nhật 8 Thường Niên

ÁNH MẮT

 

I.TẤM BÁNH LỜI CHÚA

- Hc 27,4-7

- 1Cr 15,54-58

Lc 6, 39-45

II. TẤM BÁNH CHIA SẺ

Tục ngữ nói: Đôi mắt là cửa sổ linh hồn. Là cửa sổ cho ta nhìn ra thế giới bên ngoài. Nhìn ra để hiểu biết thế giới. Nhìn ra để đón nhận thông tin. Nhưng khổ một nỗi, thông tin lọc qua ánh mắt nhiều khi sai lạc. Có nhiều lý do.

Có ánh mắt sai lạc vì bị bệnh. Mắt bị bệnh sẽ nhìn không chính xác. Nhìn không chính xác sẽ cho thông tin sai. Thông tin sai sẽ dẫn đến phán đoán sai. Phán đoán sai sẽ dẫn đến hành động sai. Mắt hỏng mà tưởng là còn tốt, mắt nhìn không thấy mà tưởng là thấy sẽ đưa đến những hậu quả nguy hiểm như Chúa nói trong Tin mừng hôm nay: “Mù mà dắt mù thì cả hai sẽ rơi xuống hố”.

Có ánh mắt sai lạc vì đeo kính mầu. Đeo kính mầu đen sẽ nhìn mọi sự bằng mầu đen. Đeo kính mầu hồng mọi vật đều trở nên hồng. Kính lúp có khả năng phóng đại tối đa sẽ làm cho ta có cái nhìn khác hẳn trên một vật bình thường.

Mắt là cửa sổ linh hồn. Cửa sổ mở ra cũng là để người bên ngoài nhìn vào linh hồn ta. Thật vậy, tâm hồn con người lộ hết trong đôi mắt. Có những ánh mắt ngây thơ trong trắng bộc lộ tâm hồn tinh khiết của trẻ thơ. Có những ánh mắt cao thượng cho thấy một tâm hồn luôn hướng tới những lý tưởng cao đẹp. Có những ánh mắt tươi vui mở ra một tâm hồn tràn trề nhựa sống. Có những ánh mắt ấm áp của một tâm hồn bao dung độ lượng. Có những ánh mắt chiếu toả sự nhân từ của trái tim yêu thương.

Nhưng cũng có những ánh mắt vẩn đục từ một tâm hồn nặng nề dục vọng. Có những ánh mắt hằn lên tia lửa hận thù cuả một tâm hồn bị thói ghen ghét thiêu đốt. Có những ánh mắt vụng trộm lén lút của một tâm hồn ấp ủ những ý định xấu xa. Có những ánh mắt ham hố bộc lộ một tâm hồn tham lam. Có những ánh mắt chán nản của một tâm hồn thất vọng. Có những ánh mắt lờ đờ bạc nhược của một tâm hồn mất hết sức sống. Có những ánh mắt soi mói của một tâm hồn nghi kị.

Thì ra những gì biểu lộ trong đôi mắt đều phát xuất từ đáy tâm hồn. Khi tâm hồn bị bóng tối tội lỗi vây phủ, ánh mắt làm sao sáng suốt nhìn rõ đường đi? Khi tâm hồn chìm trong đêm tối u mê, ánh mắt làm sao tìm được con đường tươi sáng? Khi tâm hồn mù quáng, thì mắt sẽ chẳng thấy được đường lối. Và “mù mà lại dắt mù được sao? Lẽ nào cả hai lại không sa xuống hố”?

Mắt nhìn là phản ảnh tâm hồn. Người làm sao chiêm bao làm vậy. Ai hay xét đoán người khác về nết xấu nào, chính là vì mình nghiêng chiều rất mạnh về nết xấu ấy. Trong lòng có đầy miệng mới thốt ra. Có cái xà trong mắt mình thì nhìn đâu cũng thấy rác. Tâm hồn đã xấu thì nhìn ai cũng thành xấu cả.

Chính vì thế hôm nay Chúa dạy ta hãy xét mình trước khi xét người. Hãy sửa lỗi mình trước khi sửa lỗi người. Hãy lấy cái xà ra khỏi mắt mình trước rồi mới lấy được cái rác ở mắt người khác. Hãy thanh tẩy đôi mắt của mình trước. Mắt mình thấy rõ rồi mới có thể rửa mắt cho người.

Vì ánh mắt phản chiếu tâm hồn, nên muốn mắt trong sáng, ta phải thanh tẩy tâm hồn. Muốn mắt nhìn rõ ràng, ta phải có tâm hồn đơn sơ. Muốn mắt nhìn chính xác, ta phải có tâm hồn chính trực. Muốn mắt nhìn xây dựng, ta phải có tâm hồn yêu thương. Muốn mắt nhìn lý tưởng, ta phải có tâm hồn vươn cao. Muốn mắt nhìn tha thứ, ta phải có tâm hồn độ lượng. Muốn mắt nhìn thân thiện, ta phải có tâm hồn rộng mở. Muốn mắt nhìn thanh thoát phải có tâm hồn từ bỏ.

Lạy Chúa, xin thanh tẩy tâm hồn con, để con nhìn rõ bản thân con, nhờ đó hiểu được anh em.

 

III. TẤM BÁNH HOÁ NHIỀU

1- Mỗi khi xét đoán ai, bạn có để ý rằng mình cũng có những nết xấu đó không?

2- Mỗi khi gặp một người lầm lỗi, bạn có thử đặt mình vào địa vị người đó để thông cảm không?

3- Bạn nghĩ sao về thái độ của Chúa Giê-su đối với người phụ nữ ngoại tình?

4- Phê bình bản thân cách nghiêm ngặt và tự sửa lỗi chính mình là cách phê bình người khác có hiệu qủa nhất. Bạn nghĩ sao về ý kiến này?

5- Muốn ánh mắt trong sáng ta phải làm gì?

 

Tuần VIII

(xin bấm vào hàng chữ trên để theo dõi các bài chia sẻ PVLC hàng ngày trong tuần)

Ngay trong tuổi già họ vẫn còn sinh trái - https://youtube.com/live/_aBsaDRVsTc

MTN--CNVIII-C.mp3 / https://youtu.be/EZv-DwNOJ2Q

DTCPhanxico-HuanTuTruyenTinCNVIIITN-C.mp3 / https://youtu.be/7iwG0xYom3U

ThuHaiTuanVIIITN.mp3 

ThuBaTuanVIIITN.mp3 



Thứ Tư Lễ Tro

HÃY XÉ LÒNG

 

I.TẤM BÁNH LỜI CHÚA

Ge 2, 12 – 18

- 2Cr 5,20 – 6,2

- Mt 6,1-6.16-18

II. TẤM BÁNH CHIA SẺ

Mùa Chay được khởi đầu bằng nghi thức xức tro trên đầu. Nghi thức này bắt nguồn từ truyền thống xa xưa của dân Do thái. Trong Cựu ước, mỗi khi muốn tỏ lòng ăn năn hối cải, người Do thái thường xức tro trên đầu, ngồi trên đống tro và mặc áo vải thô hoặc xé áo ra.

Cựu ước nói nhiều đến tập tục này. Nhưng dễ nhớ nhất là truyện dân thành Ninivê. Ninivê là một thành phố lớn. Nhưng dân chúng ăn chơi truỵ lạc, phạm nhiều tội lỗi. Thiên chúa muốn tiêu diệt thành này. Trước khi phạt, Chúa sai tiên tri Giona đến báo động. Nghe vị ngôn sứ nói Chúa sắp trừng phạt, dân thành sợ hãi bảo nhau bỏ đàng ăn chơi tội lỗi, tha thiết ăn chay cầu nguyện, mặc áo vải thô, ngồi trên đống tro. Thấy dân chúng có lòng ăn năn sám hối, Chúa đã tha phạt cho thành. 

Việc xức tro và xé áo trước hết nói lên sự buồn phiền đau đớn vì đã phạm nhiều tội lỗi. Tội nhân tự nhận mình không xứng đáng được kính trọng, chỉ xứng đáng với tro bụi nhơ bẩn, với áo rách tồi tàn, đáng bị khinh miệt, bị chà đạp như cát bụi bên đường.         

Việc xức tro và xé áo cũng làm cho tội nhân ý thức thân phận con người bọt bèo, cuộc đời mau chóng tàn phai như giấc mộng. Đời người như một nắm tro bụi, chỉ một làn gió nhẹ thoảng qua đủ xoá sạch vết tích. Cuộc đời giống như manh áo, hôm qua còn mới còn đẹp, hôm nay đã cũ kỹ xấu xí, hôm qua còn lành lặn, hôm nay đã sờn rách.

Như thế, việc xức tro và xé áo có một nội dung ý nghĩa rất sâu xa. Nhưng với thời gian, do những cử hành máy móc, các việc này dần dần rơi vào thái độ hình thức bên ngoài. Người ta làm cho qua lần chiếu lệ, chẳng còn có ý thức thống hối. Chính vì thế, tiên tri Giôen đã kêu gọi dân chúng: “Hãy ăn chay, khóc lóc, và thống thiết than van. Hãy xé lòng chứ đừng xé áo” (Ge 2, 12b-13a).  Nghi thức phải diễn tả tâm tình thì việc cử hành mới có ích lợi. Việc xức tro sẽ vô ích nếu trong lòng ta không dâng lên tâm tình sám hối. Việc xé áo sẽ trở thành giả dối nếu tâm hồn ta không tan nát vì hối hận tội lỗi.

Xức tro trên đầu không quan trọng bằng xức tro trong tâm hồn. Hãy xức tro vào tâm hồn cho tâm hồn xót xa đau đớn vì tội lỗi. Hãy xức tro vào thói kiêu căng để nó biết hạ mình xuống trong khiêm nhường bé nhỏ. Hãy xức tro vào thói phô trương để nó biết chìm vào âm thầm nghèo hèn. Hãy xức tro vào thói hận thù ghen ghét để nó đau đớn vì đã không biết yêu thương. Hãy xức tro vào những mối chia rẽ bất hoà để tẩy sạch vết thương, hàn gắn tình hiệp nhất. Hãy xức tro vào tính ích kỷ để nó biết mở ra chia sẻ. Hãy xức tro vào thói lười biếng để nó tỉnh thức chăm lo việc đạo đức. Xức tro như thế có khác gì xát muối vào lòng, sẽ gây nên đau đớn xót xa, nhưng sẽ tẩy rửa linh hồn nên trong trắng.

Xé áo chẳng có ích lợi gì nếu ta không xé lòng ra. Lòng ta bấy lâu đã gắn bó với tội lỗi Tội lỗi ăn sâu dính chặt hầu như trở thành một phần của tâm hồn. Muốn dứt lìa tội lỗi, phải xé nó ra. Hãy xé lòng ra khỏi những đam mê dục vọng bất chính. Hãy xé lòng ra khỏi thói tham lam tiền bạc. Hãy xé lòng ra khỏi thói nô lệ danh vọng chức quyền. Hãy xé lòng ra khỏi thói ham mê ăn uống, rượu chè, cờ bạc. Hãy xé lòng ra khỏi thói tự mãn tự tôn. Biết bao thứ đã trở thành thiết thân. Những quan hệ, những tiền bạc của cải, những chức tước danh vị, những thú ăn chơi, những tự ái, những giận hờn, tất cả đã gắn chặt vào đời ta. Giờ đây phải xé nó ra. Đau đớn lắm. Vết thương sẽ nặng lắm. Máu sẽ chảy nhiều lắm. Nhưng khi đã cắt bỏ được hết những ung nhọt độc hại, linh hồn sẽ nhẹ nhàng, trong sạch và lớn mạnh vì được đầy tràn ơn phúc và tình yêu của Chúa.

Lạy Chúa, xin hãy ban thêm sức mạnh cho con, để mùa Chay năm nay con thực sự biết xức tro vào tâm hồn, biết xé tâm hồn trong đau đớn vì tội lỗi. Lạy Chúa, xin đổi mới tâm hồn con.

 

III. TẤM BÁNH HOÁ NHIỀU

1. Mỗi lần dự lễ tro, bạn có ý thức ý nghĩa sâu xa của việc xức tro không?

2. Mỗi khi mùa Chay về, bạn có quyết tâm đổi mới đời sống không?

3. Hôm nay nếu phải xức tro vào tâm hồn, bạn sẽ xức vào nết xấu nào trong bạn?

4. Hôm nay nếu phải xé lòng mình, vết thương nào sẽ làm bạn đau đớn nhất. Bạn có dám xé nó ra không?

 

3 Ngày Đầu của Mùa Chay

(xin bấm vào hàng chữ trên để theo dõi các bài chia sẻ PVLC hàng ngày và hạnh các thánh tùy ngày trong tuần)

 

Mùa Chay: Tin - Cậy - Mến  https://youtube.com/live/dODVl7ZkG4A

MC.LeTro.mp3 / https://youtu.be/krR6-bUvQ_k

DTCPhanxico-BaiGiangLeTro.mp3 / https://youtu.be/fASLLAYUo5M

MC.Thu.5.SauLeTro.mp3

MC.Thu.6.SauLeTro.mp3

ThanhPerpetuaVaFecilita.wav / https://youtu.be/I9vVThCUp4w (7/3 - Thứ Sáu)

Thu.7.SauLeTro.mp3

ThanhGioanThienChua.mp3 / https://youtu.be/k5FkeuSFwns (8/3 - Thứ Bảy)

Suy Niệm Cảm Nghiệm

Bài Phúc Âm cho Chúa Nhật VIII Thường Niên Năm C là bài Phúc Âm tiếp theo hai bài lần trước cho Chúa Nhật VI và VII Thường Niên Năm C, theo chiều hướng của giáo huấn sống trọn lành như Chúa Giêsu khuyên dạy các tông đồ, thành phần môn đệ chứng nhân tiên khởi của Người sau này. Người đã dạy các vị sống trọn lành, sống trổi vượt trên thế gian, trên tầm mức tầm thường, đến độ trên thực tế hoàn toàn sống ngược với hay nghịch với thế gian, như 4 mối phúc thật và 4 cái khốn nạn ở bài Phúc Âm Chúa Nhật VI hai tuần trước, và yêu thương kẻ thù như ở bài Phúc Âm Chúa Nhật VII mới tuần vừa rồi.

Trong bài Phúc Âm hôm nay, Chúa Giêsu không nói đến phương diện tích cực nữa mà là tiêu cực, một phương diện tiêu cực liên quan, bề ngoài, chẳng những đến đức bác ái yêu thương, mà còn, bên trong, liên quan đến chính bản thân của mỗi người cần phải biết mình và hạ mình nữa, bằng không, không thể nào có thể sống trọn lành được, hay có sống trọn lành cũng là "giả hình" như Chúa Giêsu nói trong bài Phúc Âm hôm nay.

"Giả hình" ở chỗ nào, nếu không phải ở chỗ chẳng biết mình mà lại lên mặt khinh người và dạy đời: "'Này anh, hãy để tôi lấy cái rác trong con mắt anh', trong khi chính ngươi không nhìn thấy cái đà trong mắt ngươi?", trong khi thành phần sống trọn lành và công chính không bao giờ dám lên mặt tự phụ và tự mãn, đến độ dám khinh thường, phê phán, chỉ trích hoặc đả kích ai, có thành kiến với bất cứ ai. Căn cứ vào hành vi cử chỉ, thái độ và phản ứng của họ là biết ngay bộ mặt thật của họ, có trọn lành thật hay chăng, có công chính đúng hay chăng? Quả đúng như Chúa Giêsu khẳng định trong bài Phúc Âm hôm nay: "Cứ xem trái thì biết cây.... Người hiền, bởi lòng tích chứa điều lành, nên phát xuất sự thiện; và kẻ dữ, bởi tích đầy lòng ác, nên phát xuất điều ác: vì lòng đầy, thì miệng mới nói ra".

Sách Huấn Ca trong Bài Đọc 1 hôm nay cũng công nhận nguyên tắc lòng đầy thì trào ra ngoài miệng, ra hành vi cử chỉ, ra thái độ phản ứng, hay nói cách khác, tất cả những gì con người tác hành, tiêu biểu nhất là ngôn từ, biểu hiệu nội tâm sâu xa bên trong không ai thấy của họ, tỏ hiện cái bản chất tốt lành hay gian tà của họ: "Nết xấu của một người cũng xuất hiện trong lời nói kẻ ấy như vậy. ... Xem trái liền biết cây thế nào, thì nghe lời nói cũng biết tư tưởng lòng người như thể ấy. Ðừng ca tụng người nào trước khi nghe người ấy nói, vì lời nói là sự thử thách của con người".

Một con người hay khoe khoang và thường phê bình chỉ trích và đả kích người khác thì chẳng cần phải là thành phần nạn nhân của họ mới xếp họ vào loại người kiêu căng tự ái, mà chính những ai có khuynh hướng kiêu căng tự ái như họ cũng thấy ngay điều đó, nhưng chỉ khác nhau là ở chỗ, cho nhau là kiêu căng tự ái đấy mà chính mình họ cũng chẳng kém gì hay còn hơn nữa thì lại không thấy, cứ tiếp tục trở thành đối tượng của những gì mình nhận thấy nơi một con người kiêu căng tự ái giống hệt như mình. Những con người biết người mà không biết mình thì chẳng khác gì như đang bị mộng du hay say rượu, nói hay làm mà chẳng biết mình nói gì hay làm gì, thậm chí như người mất trí, như người mù: "'Này anh, hãy để tôi lấy cái rác trong con mắt anh', trong khi chính ngươi không nhìn thấy cái đà trong mắt ngươi?"

Nếu người mù là người không thấy gì hết ngoài bóng tối, mà bóng tối lại tiêu biểu cho gian dối và sự chết, thì người mù về tâm linh và tu đức là kẻ sống trong gian dối - ở chỗ "giả hình", và trong sự chết - ở chỗ phạm đến đức bác ái yêu thương: "Ai không yêu thương thì ở trong sự chết" (1Gioan 3:14). Tuy nhiên, trong Chúa Kitô, Đấng đã chiến thắng tội lỗi và sự chết bằng cuộc Vượt Qua của Người, thì những ai được lãnh nhận Bí Tích Thánh Tẩy tái sinh cũng đã chiến thắng nhờ Người và bởi Người, đúng như Thánh Phaolô Tông Đồ xác tín trong Bài Đọc II hôm nay: "Cảm tạ ơn Thiên Chúa, Ðấng đã ban cho chúng ta chiến thắng nhờ Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta".

Một khi chúng ta đã "chiến thắng nhờ Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta" như thế, chúng ta không thể tiếp tục sống "giả hình" theo con người cũ của chúng ta, mà là con người mới, ở chỗ được mặc lấy Chúa Kitô, do đó Thánh Phaolô đã khuyên giáo đoàn Corinto cũng là khuyên Kitô hữu chúng ta trong cùng Bài Đọc II hôm nay rằng: "Cho nên, hỡi anh em thân mến, anh em hãy ăn ở bền đỗ và đừng nao núng; hãy luôn luôn thăng tiến trong công trình của Chúa". "Thăng tiến trong công trình của Chúa" đây có nghĩa là luôn nhớ và tác hành như một kẻ đã thực sự "Nhờ Đức Giêsu Kitô" mà "chiến thắng" tội lỗi và sự chết.

Những tâm hồn nào cảm nghiệm thần linh được rằng mình đã "chiến thắng nhờ Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta" và "luôn luôn thăng tiến trong công trình của Chúa", thì mới thấy cái chí lý nơi cảm nhận của Thánh Vịnh gia trong Bài Đáp Ca hôm nay: "lòng trung tín Ngài vào lúc ban đêm", có nghĩa là "dù chúng ta có bất trung thì Ngài vẫn trung thành, vì Ngài không thể chối bỏ chính mình Ngài" (2Timotheu 2:13). Thậm chí Ngài còn biến sự dữ thành sự lành cho chúng ta, chẳng hạn để cho chúng ta bị xét đoán y như chúng ta xét đoán người khác, nhờ đó chúng ta biết mình và biết người, không dám khinh ai, trái lại biết cảm thương hết mọi người. Nhờ đó, họ càng ngày càng tiến trên đường nhân đức trọn lành một cách vững vàng, như được Bài Đáp Ca hôm nay diễn tả (câu 2 và 3), và như thế, những gì được cảm nhận và xác tín trong Bài Đáp Ca hôm nay cũng là của chính họ vậy:

 

1) Thiện hảo thay việc khen ngợi Chúa, và đàn ca danh Ngài, ôi Ðấng Tối Cao, hầu loan truyền tình thương Ngài vào buổi sớm, và lòng trung tín Ngài vào lúc ban đêm.

2) Người hiền đức như cây chà là nở hoa tươi tốt, vươn mình lên như cây hương bá đất Liban. Họ được vun trồng trong nhà Chúa, trong hành lang nhà Thiên Chúa chúng tôi họ nở bông.

3) Ngay trong tuổi già họ còn sinh trái, họ đầy nhựa sống và họ sống xanh tươi, để họ loan truyền Chúa nhường bao công chính, Chúa là Ðá Tảng của tôi, nơi Chúa chẳng có gian tà!